About Me

người làm chiến lược

Ý nghĩa thâm sâu về nhân sinh trong Tây Du Ký

Mở đầu “Tây Du Ký”, tác giả Ngô Thừa Ân viết rằng: "Muốn biết chân đế của nhân sinh, bắt buộc phải đọc Tây Du Ký". Đáng tiếc là những người có thể thực sự hiểu hết "Tây Du Ký" trên thực tế lại quá ít.

Tác giả Ngô Thừa Ân viết: “Dục trị tạo hóa hội nguyên công, tu khán Tây Du thích ách truyện”, ý nói rằng: Muốn biết công của tạo hóa ra sao, muốn hiểu được ý nghĩa của đời người thế nào, vậy cần phải hiểu Tây Du Ký. 

Nhiều ý kiến cho rằng, "Tây Du Ký" đứng đầu trong 4 tác phẩm văn học để đời của Trung Quốc. Không chỉ có vậy, đây còn là bộ môn thành công học vĩ đại nhất thế giới.

Tây Du Ký không đơn thuần là một tác phẩm dành cho thiếu nhi. Có người nói rằng khi bạn thực sự thấu hiểu “Tây Du Ký”, thì bạn cũng đã hiểu ý nghĩa thực sự của tất cả những khổ nạn trên thế gian, cũng hiểu được ý nghĩa thật sự của cuộc đời này.

Bề mặt là câu chuyện trừ yêu diệt quái, nhưng thật ra nội hàm chân chính của Tây Du Ký là con đường hàng phục ma tính của một người tu hành. Thông qua câu chuyện thần thoại sang Tây Thiên thỉnh kinh, tác giả đã dẫn dắt chúng ta cách khắc phục nội tâm trên con đường nhân sinh, hàng phục tâm ma, cuối cùng lấy được Chân Kinh, thành tựu đời người.

HÌNH Nội hàm chân chính của Tây Du Ký là con đường hàng phục ma tính của một người tu hành.


5 thầy trò Đường Tăng thực ra chỉ là một người

Ngô Thừa Ân thông qua chuyện lấy kinh mà dẫn dắt chúng ta đến việc không ngừng kiểm soát nội tâm trên đường đời, chiến thắng dã tâm, dục vọng, cuối cùng lấy được chân kinh, thành công một đời.Trong "Tây Du Ký", Tôn Ngộ Không, Đường Tăng, Trư Bát Giới, Sa hòa thượng, ngựa Bạch Long – 5 nhân vật này thực ra chỉ là một người mà thôi.

Tôn Ngộ Không là tâm của con người, Đường Tăng là phần thân xác của con người, Trư Bát Giới là dục vọng của con người, Sa hòa thượng là bản tính của con người và ngựa Bạch Mã là ý chí của con người.

5 thầy trò Đường Tăng thực chất là các yếu tố tạo nên thể hợp nhất bên trong một con người.


Tạo hình của 4 thầy trò Đường Tăng tên phim truyền hình của Trung Quốc


Xoay quanh chữ "Tâm"

Lúc đầu Đường Tăng đi thỉnh kinh, trên đường qua chùa Pháp Môn có nói: “Tâm sinh, chủng chủng ma sinh; tâm diệt, chủng chủng ma diệt”. Từ đó thấy rằng, yêu ma ấy chính là do các tâm chấp trước của người tu luyện diễn hoá ra. Chỉ cần có nhân tâm, liền sinh ra ma nạn tương ứng. Ví dụ khi Đường Thái Tông ban cho Đường Tăng hai tùy tùng và ngựa, Đường Tăng rất vui mừng. Điều này lộ rõ một loại tâm ỷ lại, do đó, mãi vẫn loay hoay không ra được biên giới quốc gia, hai người tùy tùng kia liền bị bò tinh, gấu tinh, và hổ tinh ăn thịt.

Tôn Ngộ Không là đệ tử của Bồ Đề Tổ Sư ở Tà Nguyệt Tam Tinh Động. Viết theo chữ Hán, Tà Nguyệt Tam Tinh (trăng khuyết và ba vì sao) chính là chữ "Tâm" (心). "Tà Nguyệt" chính là một nét móc, tam tinh - ba ngôi sao chính là chỉ ba nét chấm.

Vì thế, Hầu vương chính là đệ tử của trái tim, đại diện cho chữ Tâm của người tu hành. Trái tim ấy liên tục cử động không yên, tự do tung hoành giữa trời đất đầy những chuyện thiện – ác lẫn lộn.

Tâm con người thì hay tư do nhảy nhót, giống như tính khí của Ngộ Không. Trong "Lăng nghiêm kinh" có nói, tâm có 72 tướng, Tôn Ngộ Không cũng có 72 phép biến hóa. Điều này ý nói cái tâm của người đời rất giỏi biến hóa, chỉ trong chốc lát có thể biến ra các loại trạng thái khác nhau.

Gậy Như Ý của Tôn Ngộ Không nặng 13.500 cân (cân của Trung Quốc, 1 cân bằng 0.5kg). Trong cuốn "Hoàng đế bát thập nhất nan kinh" có nói: "Con người một ngày hít thở 13.500 lần", vì thế mà gậy Như Ý chính là không khí.


Gậy Như ý có hai đầu bịt vàng, ở giữa là đoạn ô thiết có khắc hàng chữ: “Như ý kim cô bổng, một vạn ba ngàn năm trăm cân”

Thứ gì có thể lên 33 tầng trời, xuống 18 tầng địa ngục? Đó chẳng phải là linh hồn của con người đó sao?

Luyện tâm có thể khiến lòng người sáng sủa, trí huệ sáng suốt. Thế nên lò bát quái không thể thiêu chết mà ngược lại còn giúp Tôn Ngộ Không luyện thành mắt lửa ngươi vàng. Mắt của Ngộ Không sáng tỏ là tượng trưng cho trí huệ sáng rực như vàng kim. 


6 chữ vàng trên lá bùa yểm 500 năm

Với 72 phép thần thông của mình, Tôn Ngộ Không hoàn toàn có thể phá núi chạy trốn. Liệu có phải do lá bùa của Phật Tổ Như Lai trấn hoàn toàn pháp thuật của Tôn Ngộ Không hay không?

Trên lá bùa là sáu chữ bí ẩn: "Lục tự đại minh chân ngôn", viết bằng tiếng Phạn: “ॐ मणिपद्मे हूँ”, tiếng Tây Tạng: “ཨོཾ་མ་ནི་པ་དྨེ་ཧཱུྃ་”, tiếng Anh: “Om Mani Padme Hum”, và tiếng Trung: “唵嘛呢叭?吽”, hay “唵嘛呢叭咪吽”. Âm Hán-Việt đọc là Úm Ma Ni Bát Mê Hồng, hoặc Án Ma Ni Bát Ni Hồng.

Nếu phân tách ra từng chữ, thì có thể hiểu rằng:

  • Om: Nghĩa là ‘quy mệnh’, cũng chính là quay trở về với bản mệnh nguyên sơ, trở về với sự thuần khiết thanh tịnh của mình.
  • Mani: Nghĩa là ‘viên ngọc như ý’.
  • Padme: Nghĩa là ‘bên trong hoa sen’.
  • Hum: Nghĩa là ‘tự ngã thành tựu’, cũng chính là tu luyện để thăng hoa cảnh giới, đề cao tầng thứ, thành tựu sinh mệnh của chính mình.


Đây chính là câu chân ngôn cổ xưa do Bồ Tát Quan Âm truyền lại, được ghi chép trong quyển 4 Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm của Mật tông Tây Tạng.

Nếu xem xét thứ tự xuất hiện của từng chữ Om-Mani-Padme-Hum, sẽ thấy toàn bộ câu chân ngôn cũng giống như một con đường tu luyện trọn vẹn: Bắt đầu từ phản bổn quy chân, trở về với bản tính nguyên sơ thuần tịnh của mỗi người (“Om”), cùng theo quá trình đề cao tâm tính, thăng hoa tầng thứ, trong thân thể xuất sinh một Phật thể ngự trên đài liên hoa (“Mani Padme”), đến cuối con đường tu luyện cũng là lúc chứng đắc quả vị, thành tựu sinh mệnh, viên mãn công thành (“Hum”).

6 chữ vàng mang ý nghĩa tu luyện để thăng hoa cảnh giới, đề cao tầng thứ, thành tựu sinh mệnh của chính mình, nhắc nhở con người sinh ra giữa đất trời, đến nơi thế gian ô trọc này, muốn chân chính chỉ có cách tu luyện. Muốn thoát khỏi Ngũ Hành, trở về thiên quốc, thì phải “quy mệnh”, bước trên con đường tu luyện, quay trở về với bản thể của mình.

Trước khi bị đè dưới núi Ngũ Hành, Ngộ Không đã từng tu luyện: Từ Hoa Quả Sơn vân du đi tìm Đạo, cuối cùng gặp được Bồ Đề Tổ Sư, bái làm sư phụ, Ngộ Không đã học được 72 phép biến hoá, âu cũng là đã đạt được một chút thành tựu. Trong truyện nhiều lần gọi Ngộ Không là Thái Ất chân nhân chưa đắc Đạo viên mãn.“tu” mà chưa “thành”, chỉ là “tu Đạo” mà chưa “đắc Đạo”.

Nhưng dẫu có thần thông quảng đại đến đâu, thì hết thảy cũng chỉ là tiểu năng tiểu thuật, tiêu diêu tự tại trong Tam Giới, vẫn chưa xuất khỏi Ngũ Hành ("ngũ hành" dẫu sao vẫn chỉ là vật chất của tam giới chứ không phải nơi thượng giới, do đó Tôn Ngộ Không không phải bị chôn ở núi khác, mà là ở chân núi Ngũ Hành.)

Như vậy, câu chân ngôn mang 6 chữ vàng của Như Lai Phật Tổ cũng giống như một lời nhắc nhở dành cho Ngộ Không: Trải qua tháng năm đằng đẵng, cũng đừng quên nguyện ước tu thành. Con nhất định phải tu thành chính quả! "Tu thành"chứ không phải "tu hành".

Hay nói theo cách khác, Phật Tổ Như Lai đã an bài mọi sự cho con đường tu luyện sau này của Ngộ Không.


Thiện - ác chỉ khác nhau một suy nghĩ

Ngộ Không bị giam dưới chân núi Ngũ hành, điều này tượng trưng cho "kim, mộc, thủy, hỏa, thổ" của thế giới thế tục kìm kẹp, thao túng cái tâm của con người. Ngũ hành sơn cũng tượng trưng cho "tham, sân, si, mạn, nghi" (tham lam, giận dữ, ngu si, ngạo mạn, hoài nghi) trong phật học. Phật Tổ nói rằng, 5 chữ ấy đã khái quát mọi tâm niệm thân hành của con người. Dù Ngộ Không có thần thông quảng đại đến đâu, vẫn không thoát ra khỏi 5 chữ này.  

Và cũng vì thế, dù Tôn Ngộ Không chỉ cần nhún một cái là đã có thể bay xa 10 vạn 8 nghìn dặm song nhân vật này trước sau đều không thể thoát khỏi bàn tay của Phật Như Lai.

Cân đẩu vân của Tôn Ngộ Không có thể vượt qua 10 vạn 8 nghìn dặm, đó cũng chính là khoảng cách từ đông thổ Đại Đường đến Linh Sơn. Thông tin này có nghĩa gì? Hàm ý của thông tin này là: Linh Sơn có xa thế nào, chỉ cần trong lòng có một suy nghĩ, dự định là có thể đến. Thiện ác chỉ cách nhau một suy nghĩ, một suy nghĩ là có thể thành phật, và một suy nghĩ cũng có thể thành quỷ.

Về sau, khi thầy trò Đường Tăng đến Hoả Diệm Sơn, núi Ngũ Hành đã trở thành Lưỡng Giới Sơn (ngọn núi giữa hai ranh giới). Đi qua ngọn núi này, cái tâm từng xáo động không yên đó cuối cùng cũng có thể nhảy ra khỏi Tam Giới. 

Trong Tây Du Ký ở hồi 14, tác giả Ngô Thừa Ân cũng nhắc tới chi tiết này, qua lời kể của chàng thợ săn Lưu Bá Khâm sau khi cứu Đường Tăng thoát khỏi cọp dữ. “Hòn núi nầy khi trước gọi là Ngũ Hành Sơn. Bởi vua Ðường đánh Tây Liêu rồi cải tên lại là núi Lưỡng giới. Ông già bà cả nói lại lúc Vương Mãng soán nhà Hán, thì hòn núi nầy ở trên trời rơi xuống đây, đè một con vượn thần dưới chân non, nằm trong hộp đá. Nghe đồn có thánh thần ở giữ, cho nó ăn sắt cục, và uống nước đồng, chịu đựng năm trăm năm, đến giờ còn sống…”.

Bạch Long Mã là ý chí của con người. Giống như loài ngựa hoang, ý chí của con người chỉ được phát huy tối đa khi tìm thấy mục tiêu rõ ràng của cuộc đời. Ngộ Không đã thu phục ngựa Bạch Long, đại diện cho cái Tâm đã thu phục được cái Ý, đạt đến tâm ý hợp nhất.

Ngộ Không thu phục Tiểu Bạch Long, cũng chính là cái Tâm đã thu phục được Ý, đạt đến tâm ý hợp nhất. Chỉ cần tâm ý hợp nhất, chí hướng kiên định thì không có Tây Thiên nào là không đến được. Sau đó, Bát Giới và Ngộ Tính được thu thập, và hình thành một đội ngũ hoàn hảo về “thân, tâm, tình (dục vọng), tính (bản tính), ý”. Chỉ cần tâm đầu ý hợp, chí hướng kiên định thì không có khó khăn nào không vượt qua, không có mục tiêu nào không đạt được.


Trên đường đi lấy kinh, 5 thầy trò Đường Tăng đã đánh không biết bao nhiêu yêu quái, thực ra, lũ yêu quái kia chính là phần ác quỷ trong tâm hồn mỗi con người. Và lấy kinh chính là cả một quá trình gạt bỏ phần hiểm ác đó, là quá trình tu tâm đầy hiệu quả.

Trong hồi thứ 19, khi thầy trò Đường Tăng vừa mới bước trên con đường lấy kinh, Ô Sào thiền sư đã truyền thụ cho Đường Tăng một bộ “Đa Tâm Kinh”. Nhưng Đường Tăng vẫn không hiểu ý, cuối cùng mãi đến hồi 85, Ngộ Không phải nhắc nhở Đường Tăng rằng:

 “Phật tại Linh Sơn mạc viễn cầu,

Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu.

Nhân nhân hữu cá Linh Sơn tháp,

Hảo hướng Linh Sơn tháp hạ tu.”

(Phật ở Linh Sơn lọ phải cầu,

Linh Sơn trước mắt lại tìm đâu!

Ai ai cũng có Linh Sơn tháp,

Tu ở Linh Sơn đạo rất mầu).

Bởi cần phải tu Tâm để trừ dứt ma tính thì mới có thể đánh thức chính mình, mới có thể lĩnh ngộ được Phật Pháp. Do đó, đến lúc này Đường Tăng đã đáp lại rằng: “Đồ đệ ạ, ta há không biết sao? Nếu theo bốn câu ấy, dù thiên kinh vạn quyển cũng chỉ là tu Tâm.”


Quá trình sang Tây Thiên chính là quá trình trừ bỏ ma tính

Hành trình vừa bắt đầu thì Tôn Ngộ Không đã đánh 6 cường đạo. Trong nguyên tác, tên của 6 cường đạo này lần lượt là: Nhãn Khán Hỷ (Mắt thấy mừng), Nhĩ Thính Nộ (Tai nghe giận), Tỵ Khứu Ái (Mũi ngửi thích), Thiệt Thường Tư (Lưỡi nếm nghĩ), Thân Bổn Ưu (Thân vốn lo), Ý Kiến Dục (Ý thấy muốn) – đây chính là lục căn. Tôn Ngộ Không đánh chết lục căn, cho thấy lục căn phải thanh tịnh thì mới có thể lên đường lấy Chân Kinh.

Trong suốt hành trình sang Tây Thiên, trước khi Ngộ Không đi xin cơm chay thường vẽ một vòng tròn lớn trên mặt đất, đây chính là giới hạn mà Tâm đặt cho con người, nhưng thân thể của con người (Đường Tăng) lại thường hay bị dục vọng (Trư Bát Giới) dẫn dụ mà xa rời giới hạn ấy. Khi thầy trò rời khỏi giới hạn mà Ngộ Không đặt ra, thì thường sẽ rơi vào bẫy của yêu ma.


Cái Tâm (Ngộ Không) dẫn dắt mọi người tiến lên trên con đường thỉnh kinh xa xôi, và cũng chính Ngộ Không (Cái Tâm) là người chủ đạo trừ yêu diệt quái cản trở trên đường, cũng có nghĩa là cái tâm dần trừ bỏ đi ma tính. Mỗi yêu ma trên đương đi thỉnh kinh đều mang một một ý nghĩa. Chúng chính là huyễn hóa của ma tính. Mỗi con quái vật đều là những thứ Danh – Lợi – Tình trói buộc con người. Năm thầy trò phải liên tục loại bỏ chúng trên đường, cũng chính là việc một người không ngừng đánh bại dục vọng của mình trên con đường nhân sinh.

Ngưu Ma Vương là do ma tính của Ngộ Không biến hóa. Ban đầu, Ngưu Ma Vương cùng Tôn Ngưu Ma Vương cũng là do ma tính của Ngộ Không biến hóa. Ban đầu, Ngưu Ma Vương cùng Tôn Ngộ Không kết bái huynh đệ, lực lượng ngang nhau, vậy nên phát hỏa (nổi nóng) cũng chính là bản thân đang so tài với chính mình.

Hồng Hài Nhi và Hỏa Diệm Sơn đều là ngọn lửa trong tâm. Nguyên nhân Hỏa Diệm Sơn hình thành là do năm xưa khi Tôn Ngộ Không chui ra từ lò Bát Quái, vì để trút cơn giận mà đá một miếng gạch chịu lửa xuống trần. Hồng Hài Nhi tượng trưng cho ngọn lửa thù hận. Hồng Hài Nhi phóng Tam Muội Chân Hỏa thiêu cháy Ngộ Không là ngụ ý rằng, một người luôn sống trong thù hận, thì cuối cùng sẽ chỉ làm tổn thương cái tâm của mình.

Hoàng Phong quái có thể thổi ra Tam Muội Thần Phong, đây là đại biểu cho phong khí của xã hội, phong khí xã hội có thể khiến trái tim con người (Ngộ Không) mê mờ lạc mất phương hướng.

3 hình tượng biến hóa của bạch cốt tinh là biểu hiện của Tình – Ái – Dục của một người. Ngộ Không đã trừ toàn bộ chúng, nói rõ rằng trên đường đời chúng ta nhất định phải khống chế vững tình, ái, dục của bản thân, chớ để nó trở thành chướng ngại tiến bước của chúng ta. Ngoài ra, Bạch Cốt Tinh chính là bộ xương trắng thành tinh, nó cũng tượng trưng cho thân xác phàm của con người. Thân thể có thể khơi dậy bản năng dục vọng, vậy nên Trư Bát Giới bắt đầu ly gián, khiến Đường Tăng đã đuổi Ngộ Không đi, chính là con người ta vì dục vọng mà đánh mất nội tâm của mình.

Yêu quái là tượng trưng cho các loại mê hoặc của thế gian

Quái Ngân giác và Kim giác là hai yêu quái tại núi Bình Đỉnh, động Liên Hoa. Từ tên gọi có thể thấy Kim Giác đại vương và Ngân Giác đại vương là tượng trưng cho sức mê hoặc của kim tiền. Khi thầy trò Đường Tăng đi ngang qua đây, Kim Giác và Ngân Giác đã dùng sợi dây thừng trói chặt Tôn Ngộ Không, sau lại dùng Tử Kim hồ lô nhốt lấy Tôn Ngộ Không ám chỉ kim tiền có thể trói chặt, phong bế tâm con người, khó mà thoát ra được.

Hoàng Mi Lão Quái giả dạng Phật Tổ ở chùa Tiểu Lôi Âm, đã dùng não bạt vàng nhốt chặt Tôn Ngộ Không. Pháp bảo não bạt vàng này cũng tượng trưng cho tiền bạc, bởi tiền bạc có thể vây hãm cái tâm người ta.

7 con nhện tinh đại biểu cho "thất tình lục dục" của con người. Thất tình lục dục cũng giống như tấm lưới do nhện giăng lên, có thể trói chặt con người. Người đời bởi tư niệm sinh tình, bị tơ tình vây khốn. Bọ cạp tinh đại biểu cho mỹ sắc, mỹ sắc sẽ dẫn dụ người ta giống như con bọ cạp, vậy nên thầy trò Đường Tăng đều không địch nổi nó.

Mỹ hầu vương thật giả, một Tôn Ngộ Không chân tâm hướng Phật đã đánh bại được một Ngộ Không giả không thật lòng hướng Phật. Đây là hai loại ý chí, hai loại tư tưởng của bản thân trong một người đang tranh đấu với nhau. Trong sách cũng nói, một nạn này là do ma tính của bốn thầy trò sinh ra: Cái tâm ngông cuồng của Tôn Ngộ Không, cái tâm mê muội không phân thật giả của Đường Tăng, cái tâm đố kỵ của Trư Bát Giới, Sa Tăng, cái tâm ngờ vực lẫn nhau giữa mấy huynh đệ thầy trò… Trừ dứt nạn này thì cả năm thầy trò mới có thể tiếp tục lên đường.

Trong hồi 79, ở nước Tỳ Hưu, quốc trượng chính là yêu tinh hươu biến thành. ì để luyện thuốc trường sinh, yêu tinh đã bắt giữ một nghìn đứa trẻ để mổ bụng lấy tim, sau lại đòi lấy tim của Đường Tăng. Tôn Ngộ Không đã nhanh trí biến thành hình tượng của sư phụ, rồi lên điện diện kiến quốc trượng. Trong sách viết rằng:

“Đường Tăng giả cầm số tim máu chảy ròng ròng, bới từng quả cho các quan xem, thấy toàn là những quả tim đỏ, tim trắng, tim vàng, tim tham lam, tim danh lợi, tim đố kỵ, tim mưu mẹo, tim hiếu thắng, tim hãnh tiến, tim khinh mạn, tim sát hại, tim độc ác, tim sợ sệt, tim tà vọng, tim vô danh, tim mờ ám… toàn là các loại tim xấu xa, chẳng thấy có một quả tim đen nào”.

Ngộ Không biến thành Đường Tăng giả, chính là thân tâm lúc này được hòa làm một, Ngộ Không nôn ra một đống trái tim cũng tượng trưng cho sự "đa tâm". Những quả tim này tượng trưng cho những tâm chấp trước mà người tu luyện phải tu bỏ trên con đường viên mãn đắc Đạo. Chẳng thế mà ở hồi 19, Ô Sào Thiền Sư truyền thụ cho Đường Tăng “Bát nhã ba la mật đa tâm kinh” (gọi tắt là “Tâm kinh”), lại nói thành là “Đa tâm kinh”. Về sau khi Đường Tăng gặp ma nạn hay có chấp trước trong tâm, mặc dù nói là niệm “Tâm kinh”, nhưng tác giả lại viết thành “Đa tâm kinh”. Chúng ta thường nói “trong lòng hươu chạy”, con người nếu có “hai lòng” sẽ gặp tai họa, chưa kể đến việc có đa tâm. Cả 5 thầy trò khi khuất phục được con yêu quái hươu này thì cũng chính “đa tâm” thành “nhất tâm”, chỉ có một lòng mới có thể thành công.

Đường Tăng giả cầm số tim máu chảy ròng ròng, bới từng quả cho các quan xem.


Có người có thể thắc mắc: Giết chết yêu quái có từ bi không?

Ở hồi 57 “Núi Lạc Già Hành Giả thật kể khổ/ Động Thủy Liêm, Hầu Vương giả đọc văn”, kỳ thực đã có câu trả lời rồi. Tôn Ngộ Không giết sạch mấy tên giặc cỏ cướp đường, Đường Tăng vô cùng đau xót, trách Ngộ Không là “cực kỳ độc ác” “bất nhân”, rồi niệm “khẩn cô nhi chú” và một mực đuổi đi. Ngộ Không bèn bay đến núi Lạc Già tìm Quan Thế Âm Bồ Tát, được Bồ Tát khai thị rằng:

“Bọn giặc cỏ ấy tuy là phường bất lương, nhưng rút cục chúng vẫn là con người, không nên đánh chết. Còn so với loài thú dữ chim hung, yêu ma quỷ quái thì lại khác. Đánh chết chúng, thì nhà ngươi có công”.

Trong vũ trụ này, chính – tà đồng thời tồn tại, trong mỗi con người lại cũng có Phật tính và ma tính. Quá trình tu luyện là không ngừng diệt trừ ma tính, nuôi dưỡng Phật tính, để cuối cùng đạt đến Phật tính tròn đầy (“viên mãn”), đắc Thiện quả. Nếu một người tu luyện dung dưỡng cho ma tính, không kiên quyết diệt trừ chúng, thì sẽ tự huỷ hoại bản thân mình. Tương tự, nếu người tu luyện thấy những tội ác như giết người phóng hoả mà vẫn thờ ơ giả câm giả điếc, lại viện cớ là “vô vi”, thì anh ta chẳng những không tích được chút công đức nào, mà còn không đạt tiêu chuẩn người tu luyện. 

3 huynh đệ Ngộ Không là đã nhận 3 vị hoàng tử ở Ngọc Hoa châu dạy võ cho họ. Cả 3 người không khiêm tốn, nên đã sư tử tinh vốn là cháu của Cửu Linh Nguyên thánh. Cửu Linh Nguyên Thánh là một trong những yêu quái lợi hại nhất trên đường sang Tây Thiên, có thể dễ dàng bắt được Tôn Ngộ Không.

Kết thúc cuộc hành trình, sau khi vượt qua rất nhiều gian khổ, loại bỏ yêu ma trên đường đi, cuối cùng cả 5 người đã đến được Linh Sơn.

  • Ngộ Không (Tâm) được phong làm vị Đấu Chiến Thắng Phật, bất kể chúng ta làm gì, chỉ cần chúng ta ước chế cái tâm của mình thì cuối cùng cũng có thể thành công. 
  • Đường Tăng (Thân) được phong làm Chiên Đàn Công Đức Phật, làm người cần phải có thể thân tâm hợp nhất, có như vậy mới đắc được Chân Kinh.
  • Trư Bát Giới (Tình cảm dục vọng) được phong làm Tịnh Đàn Sứ Giả, vì dục vọng không bỏ được nên cuối cùng chỉ có thể làm sứ giả. 
  • Sa Ngộ Tĩnh (Bản tính) được phong làm Kim Thân La Hán, cũng chính là bản tính quý như vàng ròng vậy. 
  • Bạch Long Mã (Ý chí) được phong làm Thiên Long Bát Bộ Hộ Pháp, thời thời khắc khắc phải bảo vệ ý tưởng của mình, vì vậy được phong làm Hộ Pháp.

Sau cùng Phật Tổ cho nhóm thầy trò kinh không chữ, chính là vì kinh không chữ mới là Chân Kinh. “Kinh” trong vô tự kinh, là ý chỉ những việc đã trải qua. Những việc trải qua trên suốt chặng đường này mới là “Kinh” chân chính, vượt xa những văn tự nơi thế gian con người.  Một người khi trải qua tất cả mọi chuyện trên đời, mà vẫn có thể giữ được chân tâm, thì cho dù chưa tới tây phương, trong lòng sớm đã thành Phật rồi.


Tại sao kinh không có chữ? 

Kinh không chữ ở đây muốn nói lên, Tam Tạng chưa thâm nhập vào Phật tánh được, vì Đường tăng vẫn còn bị các pháp của thế gian ràng buộc, nghĩa là còn nằm trong phạm trù đối dãi của trần tục, vẫn còn cho bát vàng là quý, là kỉ vật của vua Đường ban tặng. Không buông xả các pháp thô hèn của thế gian, vẫn còn theo lối tư duy hữu ngã. Việc này cũng như khi nhận được chân kinh mà không hiểu giáo nghĩa của chân kinh, thì cũng như nhận những trang giấy trắng mà bốn thầy trò Đường Tăng đã nhận. Vì nhận được chân kinh mà không truyền trao được giáo lý Phật Đà theo chánh pháp thì cũng như không nhận, không nhận thì cũng đồng nghĩ với việc nhận những trang giấy trắng mà thôi.

Cũng vậy A Nan và Ca Diếp không trao chân kinh cho bốn thầy trò Đường Tăng mà trao những trang giấy trắng là vì những lý do đó.


Tại sao đổi bát vàng?

Nhưng với trách nhiệm của một người “Tác Như Lai Xứ, trì như lai tạng", nên A Nan và Ca Diếp đã không dừng lại ngang đó mà các Ngài đã làm tròn trách nhiệm của mình: là khai ngộ cho bốn thầy trò Đường tăng, bằng cách làm cho bốn thầy trò Đường Tăng không còn sở chấp, không chấp có mà cũng không chấp không, không còn vật giữ và cũng không còn vật để giữ. Điều này đã thể hiện qua sự trao đổi bát vàng để đổi lấy chân kinh. Hẳn ai cũng thắc mắc một điều rằng: Tại sao hai đệ tử lớn của Đức Phật đó là A Nan va Ca Diếp đều là những bậc đã chứng quả A-la-hán, nghĩa là không còn cấu nhiễm các pháp của thế gian, vậy mà họ vẫn còn mang tâm niệm muốn tranh đoạt bát vàng của Đường Tam Tạng. Tại sao suốt cả cuộc hành trình về xứ Phật, ta thấy bao điều tốt đẹp của chư vị Bồ Tát, vậy mà đến tập cuối của bộ phim lại xuất hiện những hành vi làm mất đi sắc đẹp và bản chất của Phật giáo như thế? 

Chánh pháp là như vậy, nên ngài buông xã bát vàng, nghĩa là không còn bị ràng buộc của các pháp thế gian, nên đã đi sâu vào Phật tánh, thấy rõ được các pháp vốn là không từ đâu đến, tất cả đều là không, tướng cũng không mà tánh cũng không, bát vàng cũng không, nên cũng không có sự trao đổi chân kinh, mà là sự buông xã các pháp của Đường Tam Tạng và sự ngộ nhận chân lý đối với giáo lý Phật Đà…và Đường Tam Tạng nhận được chân kinh chính là sự giác ngộ của mình. 

(Nguồn: Secretchina, Cảm ngộ Tây Du Ký)


Ý KIẾN CÁ NHÂN:

Theo mình thì ý tác giả muốn gửi gắm như thế này, hợp với mọi hoàn cảnh, đúng là một bộ phim kinh điển :

- Sa tăng : Hiền lành, thật thà, trung thực nên luôn phải đi sau, toàn làm chuyện lặt vặt, chủ yếu là bóc vác, khiên đồ. Kết luận : thật thà thường thua thiệt.

- Bát giới : mê gái, làm biếng, kém tài, đánh với yêu quái toàn chạy, nhưng giỏi nịnh bợ sếp (đường tăng) nên có công việc rất ư là nhàn hạ, là dắt ngựa đi ăn cỏ. Kết luận : leo lẻo lại lên lương.

- Tề thiên : tài giỏi, thông minh tháo vát, biết lo xa, (như đánh với bạch cốt tinh, biết vẽ 1 vòng tròn rồi kêu sư phụ đừng ra khỏi vòng đó) nhìn xa trông rộng nhưng anh này bị cái là không được làm theo ý mình vì bị vòng kim cô khống chế, còn bị ông sư phụ luôn ngăn cản, có lúc vì tài lanh quá nên bị đường tăng cho tạm ngưng hợp đồng về hoa quả sơn ngồi chơi luôn . Kết luận : Giỏi mà không biết trên biết dưới cũng chết.

- Đường tăng : không biết gì cũng được làm sếp, tề thiên đã dùng những gì mình học được để phục vụ ông ta (trừ ma, diệt quỷ) vậy mà ông ta vẫn 1 mực không tin, chỉ nhìn bằng con mắt của một người không hiểu về chuyên ngành. Kết luận : Sếp lúc nào cũng đúng.

- Yêu quái : các bạn thấy ngộ không đánh chết những con yêu quái chỉ là những con lắt nhắt, còn những con trùm thì sao. Mỗi lần tính đập chết thì : “K..H…O..A…N…, DỪNG TAY LẠI, NÓ LÀ CON VẬT NUÔI CỦA TA”. Vậy là đem nó về dạy dỗ lại, trong khi chủ nó bất cẩn để nó xuống trần gian làm chuyện ác mà chủ nó không bị cấp trên (ngọc hoàng) khiển trách, có lần ngộ không lên méc mà mấy cha thần tiên không tin, còn nói này nói kia, nhưng tới biết thì mau mau đi kiếm nó về mà không xin lỗi một lời với dân chúng chỗ đó.

Kết luận : yêu quái là con ông cháu cha, làm sai làm ác cùng lắm về dạy dỗ lại thôi.

- Diêm vương : bắt sai người (ngộ không) mà không xin lỗi làm nó nổi điên xé hết giấy tờ, thế là chơi chiêu méc với ngọc hoàng, ai sai trước thì biết !

- Long vương : sống theo thời thế, lúc quen ngộ không thì chơi sang, tặng áo quần đủ thứ, tới khi con khỉ hốt được cây thiết bảng thì chạy lên méc ngọc hoàng. Đây là dân ba phải, hay chơi méc.

- Ngưu ma vương : lúc xưa là anh em kết nghĩa với ngộ không, sau này con mình làm sai, bị ngộ không đánh, rồi bồ tát rước đi cho học tập cải tạo thành người tốt không tốn 1 đồng (bao ăn, bao ở, bao luôn thành nghề, có việc làm luôn), vậy mà còn ấm ức tề thiên, thương con mà không biết đúng sai.

- Thần tiên : nhàn nhàn rảnh rảnh, đánh cờ, tán dóc trong khi dân chúng ở dưới thì hạn hán, đói khổ, yêu quái lộng hành mà không ai biết, tề thiên ko méc chắc mấy ổng cũng chả biết gì. Lại còn có cái thói đàn em mình (yêu quái) làm sai mà không một lời xin lỗi dân chúng. Ỷ làm quan rồi không thèm biết dân chúng là ai.

- Quan âm bồ tát : không thể giáo dục tề thiên bằng lời nói, nên phải dùng bạo lực để dạy con khỉ này, bằng cách dụ khỉ ta đeo vòng kim cô rồi dạy đường tăng niệm chú cho nó nhức đầu. Suy ra : giáo dục tư tưởng thì phải đi đôi với bạo lực.

- Ngọc hoàng : chả biết gì, ngoài việc ra lệnh, đã vậy còn ghanh ghét. Thấy tề thiên treo chữ “ tề thiên đại thánh” chà bá, ổng thấy ngứa mắt lên kêu lính đi dẹp.

- Thái bạch kim tinh : Lão này thấy tề thiên ko biết luật trời, mù mờ về chức vụ, nên dụ : “trên trời có chức này bảnh lắm nhưng đang còn thiếu ghế trưởng phòng , chú muốn thì theo anh, ngọc hoàng thấy chú cũng có năng lực nên ưa ái cho chú lắm à, chứ chức này khó ai đảm nhận lắm, anh thấy chú rất có tài lãnh đạo nên mới đề nghị ngọc hoàng bổ nhiệm chức này cho chú đó, ráng phấn đấu nhen !”

Tội cho con khỉ ngu ngơ nên bị dụ, đi vô làm chăn ngựa làm mất mặt anh hùng.

Túm lại : đừng nghe lời dụ kị về việc làm ngon mà nhàn, đâm đầu vô thì có mà chết.

- Đến lúc tề thiên làm loạn, ngọc hoàng hỏi : “có chú nào tình nguyện đi hốt xác khỉ về không ?” Thì mấy thiên tướng đều ậm ừ, sợ nhận trách nhiệm, thì có thái thượng lão quân là hăng hái xung phong đi, nhưng sự việc thất bại lại đỗ lên đầu lão. Kết luận : chớ xung phong làm kẻ dẫn đầu, thất bại thì lãnh đủ.

- Phật tổ : Ngộ không có bay đi đâu chăng nữa cũng không thoát khỏi bàn tay của ông, ý tác giả có thể là sẽ có một tổ chức cảnh sát hình sự xuyên quốc gia (Interpol)chăng, cái xấu luôn bị trừng phạt dù nó có chạy đi đâu chăng nữa.

- Tề thiên bị núi đè : có sự khoan hồng ở đây, dù anh ta tội rất nặng, dám đập cả cơ quan cao nhất (thiên giới) nhưng chỉ bị núi đè, mà còn hên là chừa cái đầu ra để ăn được, nếu chừa cái chân ra ngoài không biết sống được 1 tháng không chứ đừng nói chờ 5 thế kỉ để chờ ông sư phụ đáng tuổi cháu cố mình.

- Sự giáo dục kì lạ của nhà trời : các con vật sống ở một thế giới an nhàn chốn thần tiên, các thần tiên đều sống không ganh đua, gian ác mà mấy con vật đó theo họ bấy lâu nay trốn xuống trần gian thì chẳng có con nào hiền, toàn dân ác ôn, vậy tụi nó theo mấy ông tiên ông thánh trên trời thì học được những gì ! khôn nhà dại chợ !

- Hối lộ ở nhà trời : ở cõi phật uy nghi vậy mà cái tên lấy kinh còn đòi hỏi phải có gì nó mới đưa kinh, 4 thầy trò nghèo kiết xác biết lấy cái gì cho tụi nó, nên tụi nó cho lấy kinh không chữ.

Hình như sau đó Như lai biết nên cho con đại bàng bốc kinh thả xuống. Nhờ vậy mà họ mới biết đi đổi lại.

Nhưng trớ trêu 1 chỗ là Như Lai Phật tổ nói : “khi xưa có mấy chú kia đến thỉnh kinh rồi đem ra chợ bán với giá rẻ như rau muống, ta trách họ bán rẻ quá không đủ sống” thì ngộ không hỏi 1 câu làm ổng cứng họng : “Bộ chuyện hối lộ này do ông sắp xếp hả” , phật cũng im re luôn.

Đến khi chuẩn bị lấy kinh thật rồi còn bị hai thằng gian đòi quà cáp nữa, tam tạng là người trần gian nên rất tâm lý biết mấy cha đó cần gì, nên cho cái bát bằng vàng bốn số 9 cho tụi nó.



- Rồi 4 thầy trò đều thành phật lướt mây về nhà thì Phật tổ hỏi quan âm : “4 thầy trò chịu bao nhiêu nạn rùi ? ” lẩm bẩm cộng trừ nhân chia, quan âm trả lời :”da, 80 nạn”, phật tổ giật mình : “trong phật thường phải là số chính phương, 9 lần 9 81 lận”, nên sai quan âm làm thêm 1 nạn nữa cho hợp thức hóa. Ý tác giả Ngô Thừa Ân đây là một thiếu sót trong bộ máy hành chính khi sự việc đã rồi, nên họ kiếm 1 cớ nào đó để làm cho đúng thủ tục hành chính.

- Thấy việc lớn mà quên việc nhỏ : con rùa nhờ 4 thầy trò hỏi nó sống lâu rồi chừng nào mới quy tiên mà 4 thầy trò thấy kinh sáng mắt nên không còn nhớ chuyện khi xưa nữa, trí nhớ siêu phàm như tề thiên mà không nhớ được chứng tỏ lúc đó kinh phật làm họ quên câu chuyện của lão rùa. Mà con rùa đó cũng hiền, chỉ lật cho họ té rồi bỏ đi thôi. Gặp con ác nó đè đầu đường tăng cho chết luôn !!

- Và cuối cùng hình như việc lấy kinh của 4 thầy trò được sắp sếp bởi phật tổ, khi cử quan âm đi nước Đường chọn người thỉnh kinh, phật tổ, quan âm chọn luôn 3 thằng đồ đệ, chọn luôn cho con ngựa cưỡi, lo đến mức như vậy luôn, thằng thì bưng bê khiên vác,thằng thì dắt ngựa, thằng thì diệt yêu, tam tạng ngồi rung đùi chơi, có làm khỉ gì đâu. Hóa ra đây chỉ là một trò chơi, mà người tham dự là 4 thầy trò.

Kết luận : Giống như một cty muốn khuếch trương tên tuổi, nên nghĩ ra một trò chơi trúng thưởng, các nhân viên không được tham dự, nên kêu nhân viên mình đi kiếm người chơi, sắp đặt đủ trò với barem khổ nạn cho họ vượt qua. Và cuối cùng là nhận thưởng !!!


Nội hàm của Tây Du Ký vô cùng uyên thâm. Cùng là một người nhưng đọc vào những lúc khác nhau thì thể hội cũng khác nhau. Ví như khi đọc vào thời niên thiếu và khi đọc vào thời trai trẻ đều có những thể hội hoàn toàn khác nhau. Hơn 20 năm sau đọc lại, lại có thể hội mới.

Một bộ thiên thư bác đại tinh thâm như thế, cả đời người dẫu dày công nghiên cứu cũng khó có thể hiểu cho tỏ tường. Vậy nên, có cả trăm ngàn người lần giở Tây Du Ký, thì những người thật sự đọc hiểu lại chẳng có mấy ai…


Post a Comment

0 Comments