Võ thuật xét đến tận cùng là một tập hợp hành động của cơ thể con người. Cơ thể con người vận động theo sự chi phối bởi các nguyên tắc khoa học như vật lý, toán học… Vì thế, võ thuật thật sự đúng đắn cũng phải xây dựng trên nền tảng các nguyên lý khoa học.
1. Võ thuật là gì?
Để hiểu được thế nào là phương pháp luyện tập võ thuật đúng đắn, cần phải nhắc lại khái niệm võ thuật là gì? Võ thuật là những động tác đòn thế có hệ thống được sắp xếp theo một quy luật nhất định (có hệ thống thì mới phân định được đẳng cấp – có quy luật thì mới hình thành được phản xạ đòn thế) dựa trên nền tảng:
- Cơ thể học
- Tâm lý học
- Toán học
Từ những nền tảng này, người xưa đã xây dựng nên nền võ học theo 8 phương pháp cơ bản sau:
- Tấn pháp (chân)
- Thủ pháp (tay)
- Cước pháp
- Thân pháp
- Bộ pháp
- Nhãn pháp (mắt)
- Tâm pháp (tinh thần)
- Đấu pháp
Vậy 8 phương pháp cơ bản trên được gọi là Thiếu Lâm bát pháp. Yêu cầu cụ thể là: “Quyền (thủ) như lưu tinh, mắt như điện; eo (thân pháp) như xà; tinh thần sung mãn khí trầm; lực thuận đạt công vững chắc”. Ý muốn nói "khi luyện công thì tay phải nhanh, mắt sắc bén, thân pháp linh hoạt, bộ pháp vững chắc, tinh thần sung mãn, thể lực dồi dào, công pháp chặt chẽ". Đường quyền và binh khí đều dựa trên 8 phương pháp cơ bản này mà hình thành nên một hệ thống hoàn chỉnh.
Võ thuật chân chính tuyệt đối không chấp nhận niềm tin mù quáng, mê tín vào những thế lực siêu nhiên vô hình, càng không chấp nhận cách tiếp cận phi khoa học, lừa mị. Võ thuật khoa học tiến tới sự đơn giản, hợp lý, không có động tác thừa. Người học tập các môn võ thuật khoa học có thể đo lường được sự tiến bộ của bản thân theo các tiêu chí rõ ràng về sức mạnh cũng như sự chững chạc, sự tự tin, hiệu quả. Ngược lại, võ thuật phi khoa học càng lúc càng “chế” ra nhiều động tác thừa, những tư thế đẹp mắt nhưng vô dụng, không hiệu quả, hòng che lấp cái thiếu hụt về thực lực ở bên trong.
Võ thuật dựa trên căn cứ khoa học chỉ có con đường là phát triển đi lên. Vì khoa học của nhân loại thì ngày càng tiến bộ. Võ thuật phi khoa học chỉ có con đường tàn lụi. Vì khi trí tuệ nhân loại càng phát triển thì những sự mê tín hay cẩu thả, phi lý sẽ bị bóc trần không thương tiếc, sẽ không còn chỗ đứng. Đó là chân lý không chỉ đúng với võ thuật mà với mọi mặt cuộc sống. Người học võ phải có óc phán xét và tư duy sáng suốt để phân biệt đâu là loại võ khoa học và đâu là loại võ phi khoa học để theo đuổi.
Luyện tập môn võ có tính khoa học sẽ có tiềm năng phát triển và có thể sáng tạo không ngừng dựa theo sự phát triển của khoa học nhân loại. Theo đuổi môn võ phi khoa học thì chỉ toàn gặp hại. Nhẹ nhất là sự tập luyện không mang lại kết quả, không áp dụng được vào thực tiễn, như thế là phí thời gian, công sức, tiền bạc. Nặng hơn nữa là cơ thể, tâm sinh lý phát triển không đúng. Nặng hơn nữa là nếu vẫn không nhận ra sự sai lầm, lại mang võ đó mà truyền lại cho nhiều người, sẽ phá hỏng nhiều thế hệ. Sự lợi hại đó là rất to lớn, nên phải cân nhắc thật kỹ càng.
Vậy, một môn võ chân chính phải dựa trên những nguyên lý khoa học nào? Về căn bản, đó là những nguyên lý sau:
- Toán học: phân tích những con đường hợp lý và hiệu quả nhất để thực hiện đòn đánh. Toán học giúp đo lường khoảng cách giữa ta và đối thủ, xác định tâm điểm giữa ta và đối thủ để có thể định được thời gian và vị trí ra đòn chính xác nhất.
- Vật lý học: sẽ xác định quy luật phát lực đặc trưng của mỗi môn phái. Đồng thời xác định được loại lực đánh cụ thể của mỗi đòn thế riêng biệt.
- Tâm lý học: sẽ giúp xác định sự khác nhau trong lúc ra đòn ở những trạng thái tâm lý khác nhau.
- Giải phẫu học: giúp xác định những điểm mạnh yếu trong cấu tạo cơ thể để người võ sĩ có thể phòng thủ bản thân và tấn công đối thủ.
- Thần kinh học: phân tích cơ chế của các loại phản ứng khác nhau của cơ thể, từ phản xạ có điều kiện, vô điều kiện, tự động hóa… để người võ sĩ có thể lên chương trình luyện tập giúp đưa bản thân vào trạng thái có được sự tự động hóa đòn thế tốt nhất (tức là đánh không cần nghĩ).
- Kiến trúc: giúp xác định những mô hình tư thế cơ thể tốt nhất cho các đòn thế.
2. Các chu kỳ sinh lý của cơ thể người tác động tới việc luyện tập
- Áp lực máu thấp nhất về đêm và cao nhất vào buổi chiều
- Nhiệt độ cơ thể thấp nhất vào lúc 1h – 2h và cao nhất lúc 17h – 18h
- Sức khỏe kém nhất vào lúc 2h – 5h và 12h – 14h
- Chu kỳ hưng phấn thần kinh kéo dài khoảng 33 ngày
- Chu kỳ hoạt động trí tuệ dài khoảng 31 ngày
- Chu kỳ rụng trứng của phụ nữ khoảng 28 – 29 ngày
Những hoạt động này rất nhịp nhàng, không thay đổi. Đem những điểm cực tiểu trong chu kỳ sinh lý cộng hưởng với kế hoạch luyện tập sẽ giúp cơ thể sản sinh những hóa chất giúp nâng cao năng lực thể chất một cách phi thường. Nắm được bí quyết này trong luyện tập sẽ đạt được kết quả cực cao.
3. Kế hoạch tập luyện và kỹ chiến thuật
Kỹ thuật là gì? Là khả năng tiến hành luyện tập các đòn thế một cách chính xác nhất, vững chắc nhất và dụng lực một cách có lợi nhất.
Kỹ thuật sản sinh thể lực.
Chiến thuật là gì? Là sự phối hợp các đòn thế - cả những bẫy rập đánh lừa – để tấn công hay phản công.
Chiến thuật mở cửa cho trí tuệ.
Mỗi môn võ đều có kỹ - chiến thuật riêng mà người học nó cần phải nắm vững để áp dụng trong chiến đấu. Nhưng dù cách nào đi nữa thì sự phối hợp chiến thuật vẫn nhằm mục đích hạn chế sự tấn công và phá vỡ thế thủ của đối phương.
Tốt nhất là làm cho đối phương bị ảnh hưởng bởi tinh thần chiến đấu gan dạ, bình tĩnh bằng cách chuẩn bị sẵn sàng áp dụng những gì đã gặt hái được trong quá trình khổ luyện. Chiến thắng chính đáng trong chiến đấu chính là phần thưởng cao quý nhất đối với thái độ chiến thuật đúng đắn của võ sĩ.
4. Cách nhận biết luyện võ thuật đúng
“Đòn thế hay chỉ mới chiếm 50%. Chính sự tập luyện đúng đắn mới hoàn thiện được đòn thế đến mức 100%”.
Tầm quan trọng của sự mệt mỏi trong tập luyện
Trong luyện tập võ thuật, khối lượng vận động và mức độ mệt mỏi đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao trình độ của người tập. Vì thế, người tập võ cần phải chú ý sự lặp đi lặp lại các đòn thế tổng cộng nhiều như thế nào trong mỗi buổi tập.
Phải chú ý xem mức độ luyện tập các đòn thế mà mình đạt được trong mỗi buổi tập là bao nhiêu? Tuy nhiên không nên luyện tập đến mức hoàn toàn kiệt sức. Song nếu chỉ tập nhẹ nhàng thoải mái thì buổi tập sẽ không có tác dụng. Vì vậy tốt nhất là nên luyện tập đến mức giới hạn (Các mức độ đánh giá sự mệt mỏi sẽ được thể hiện trong bảng đánh giá ở dưới).
Các võ sĩ cần theo dõi bản thân trong khi luyện tập để đánh giá mức độ mệt mỏi. Sự mệt mỏi sẽ xảy ra khi tăng cường số lần lặp đi lặp lại các đòn thế. Vì thế, chắc chắn sau một buổi tập nào đó võ sĩ sẽ thấy rõ buổi tập hôm nay khó khăn, nặng nhọc và đặc biệt mệt mỏi hơn các buổi tập khác, do có sự lặp đi lặp lại đòn thế lớn hơn bình thường.
Sự mệt mỏi là dấu hiệu quan trọng với võ sĩ vì đó là tiêu chí để đánh giá sự tiến bộ trong việc thực hiện đòn thế của võ sĩ. Mức độ mệt mỏi là kết quả tác động của lượng vận động tổng cộng trong một buổi tập lên cơ thể. Vì vậy võ sĩ cần phải biết cách tự xác định mức độ mệt mỏi trong mỗi buổi tập để đánh giá trình độ thực hiện đòn thế của mình.
Bảng đánh giá sau đây sẽ giúp võ sĩ dễ dàng kiểm tra được mức độ mệt mỏi của bản thân. Vì thế võ sĩ nên phải đọc kỹ và nghiền ngẫm về bảng hướng dẫn này?
Các chỉ tiêu đánh giá
Các chỉ tiêu đánh giá |
Lượng vận động nhỏ | Lượng vận động tối ưu | |
Lượng vận động bình thường | Lượng vận động giới hạn | ||
MỆT ÍT | MỆT NHIỀU | MỆT RẤT NHIỀU | |
Màu da | Hơi đỏ | Đỏ nhiều | Rất đỏ, hoặc tái nhợt đi. |
Mồ hôi | Ra ít | Ra nhiều (đặc biệt vùng trên thắt lưng) | Ra rất nhiều (đặc biệt vùng dưới thắt lưng) |
Hơi thở | Nhanh nhưng đều | Rất nhanh và đôi khi thở bằng mồm | Thở bằng mồm rất nhanh, ngắn, không đều. |
Sự vận động của cơ thể | Dáng đi bình thường | Dáng đi không vững, đầu gối bủn rủn | Không còn sức vận động. Vận động không chắc chắn, loạng choạng. |
Trạng thái cơ thể | Bình thường | Mệt mỏi. Tim đập mạnh. Đau ở chân, đùi, có cảm giác yếu ớt. | Rất mệt mỏi và nhức đầu, khó chịu. Có cảm giác như kim châm ở ngực, chân tay nặng. |
Sự luyện tập sai
Sau mỗi buổi tập, nếu luyện tập đúng, cơ thể võ sĩ sẽ được hồi phục và dần dần ngày càng có khả năng thực hiện đòn thế ở trình độ cao hơn. Nhưng cũng có khả năng, năng lực thực hiện đòn thế bị giảm sút và sự hồi phục của cơ thể sau mỗi buổi tập ngày càng chậm. Nếu xảy ra hiện tượng này thì có thể là võ sĩ đã bị bệnh hoặc đã tập luyện quá sức. Để tránh xảy ra tình trạng này, trong tập luyện võ thuật, võ sĩ cần phải tuân theo giáo trình huấn luyện của người thầy đề ra. Và nhiệm vụ của người thầy là giúp đỡ các học trò của mình không bị luyện tập quá sức.
Hiện tượng luyện tập quá sức có thể do khối lượng công việc hàng ngày quá nhiều gây nên.Nhưng nguyên nhân thông thường là do sinh hoạt không điều độ. Như: ngủ ít, thức ăn thiếu sinh tố, phân phối thời gian và công việc không hợp lý.
Bên cạnh đó, sự luyện tập sai như thời gian nghỉ giữa các các hiệp tập quá ít, nâng cao việc luyện tập đòn thế quá nhanh, không khí buổi tập căng thẳng do kỷ luật nghiêm,tập luyện hời hợt hoặc đẩy sự tập luyện vượt quá mức giới hạn đều dẫn tới hiện tượng tập luyện sai.
Nguyên nhân gây ra việc luyện tập sai quá nhiều và khó xác định, nên nhất thiết phải có thầy. Ngoài ra, có những dấu hiệu mà người tập võ cần phải tự chú ý như: khó ngủ, mất ngủ, ăn không ngon, xuống cân. Đó là dấu hiệu chỉ báo của sự luyện tập sai.
(Nguồn: Võ Sư Long Phi Thanh - Võ Phái: Long Phi Thanh - www.longphithanh.com)
0 Comments