About Me

người làm chiến lược

Duyên khởi - 12 nhân duyên

12 nhân duyên (Thập nhị nhân duyên) là một giáo lý rất đặc thù, là cốt lõi của nhân sinh quan Phật giáo, được đề cập nhất quán trong tất cả các kinh điển. Nhận thức rõ về học thuyết Thập nhị nhân duyên sẽ giúp Phật tử hiểu cặn kẽ hơn về các vấn đề khác như nghiệp, luân hồi tái sinh, nhân quả...

Thập nhị nhân duyên là cách trình bày đặc biệt của giáo lý "duyên khởi" (Paticcasamuppada). Giáo lý này do chính Bồ tát Tất Ðạt Ða (Siddhartha) thể chứng dưới cội bồ đề sau 49 ngày tư duy thiền định, từ đó Ngài trở thành một bậc Giác ngộ hoàn toàn. 12 nhân duyên hay thập nhị nhân duyên (12 nidanas) là chuỗi liên kết các điều kiện giải thích tại sao một người phải tái sinh vô tận trong vòng luân hồi.


Ý nghĩa của học thuyết thập nhị nhân duyên

Thập nhị nhân duyên là phép tu hành của Duyên giác thừa, phép này chủ yếu quán sát tất cả các sự vật, cho đến luân hồi, đều do nhân duyên mà phát khởi, nhân duyên hội họp thì gọi là sanh, nhân duyên tan rã thì gọi là diệt, sự thật vốn không có cái gì sinh, cái gì diệt cả.

Trước khi Phật ra đời, cũng đã có nhiều vị tu hành giác ngộ được đạo lý nhân duyên, ra khỏi luân hồi, đó là các vị Độc giác.

Các vị Độc giác thường quán tất cả các sự vật, dù thân hay cảnh, dù sống hay chết, đều do các duyên hội hợp mà hóa thành như có, chứ không phải thật có. Các vị thường quán các sự vật, chỉ có tánh đối đãi, chứ không có tự tánh. 

Ví dụ như tờ giấy, nó có những tính cách là mỏng, là vuông, là trắng, những tính cách đó đều là đối đãi, vì mỏng đối với dày mà có, vuông đối với cái không phải vuông mà có, trắng đối với cái không phải trắng mà có, lại tờ giấy là vật có hình tướng, cũng có đối với không mà thành, rõ ràng tờ giấy chỉ có những tính cách đối đãi, ngoài những tính cách ấy ra, thì không chỉ thế nào là tờ giấy được.

Lại tờ giấy là một nhất hợp tướng, do rất nhiều cực vi kết hợp lại mà thành, ngoài các cực vi ra, cũng không còn tờ giấy nữa.

Lại tờ giấy có những nguyên nhân của tờ giấy, nơi tờ giấy, người ta có thể nhận rõ tác dụng của các nguyên nhân ấy, đã kết hợp như thế nào, ngoài những tác dụng ấy ra, cũng không thể tìm cái gì là tờ giấy được.

Quán sát như thế, thì nhận rõ được các tướng của sự vật đều giả dối, không thật, theo duyên mà phát hiện, theo duyên mà thay đổi, không có gì là chắc thật cả.


Các vị Độc giác quán sát như thế, thì ngộ được các pháp đều vô ngã, cảnh cũng vô ngã, thân cũng vô ngã, cho đến những sự sống, chết đều vô ngã. Đồng thời, các vị Độc giác cúng ngộ được các pháp vô ngã như thế, theo duyên mà chuyển biến, mà thường dùng định lực quán cái có ra không, cái không ra có, làm cho càng rõ thêm sự thật của mọi sự vật, chứng được bản tánh vô ngãra khỏi luân hồi.

Đối với những đệ tử Phật, có căn cơ quán sát nhân duyên, thì Phật dạy 12 nhân duyên phát khởi ra luân hồi, để các đệ tử ấy tu tập theo và chứng quả Duyên giác.

Sao gọi là nhân duyên? Nhân là nguyên nhân, chỉ những vật chính nó làm nhân trực tiếp sanh ra vật khác, như hạt lúa làm nhân sanh ra cây lúa. Duyên là trợ duyên, chỉ cho những vật có tính cách trợ giúp trực tiếp hay gián tiếp cho vật khác được hình thành. Như phân, nước, ánh sáng, nhân công… là trợ duyên giúp cho hạt lúa được thành cây lúa. Nhân duyên lại có nghĩa, các vật đều là nhân, các nhân đó duyên với nhau mà thành ra các vật khác. Như vôi, gạch, ngói… là nhân, các nhân này duyên với nhau mà thành ra cái nhà. Vì các pháp trùng điệp nhiều lớp làm duyên cho nhau mà thành ra vật thể này hay vật thể khác. Vậy nhân duyên là chỉ cho các vật làm nhân cho nó mà cũng vừa là trợ duyên cho tất cả vật chung quanh nó.

12 nhân duyên của luân hồi là một dây chuyền liên tục, chuyền từ khâu này đến khâu khác, trong một đời cũng như trong nhiều đời. 12 nhân duyên ấy là vô minh duyên ra hành, hành duyên ra thức, thức duyên ra danh sắc, danh sắc duyên ra lục nhập, lục nhập duyên ra xúc, xúc duyên ra thọ, thọ duyên ra ái, ái duyên ra thủ, thủ duyên ra hữu, hữu duyên ra sinh, sinh duyên ra lão tử.


Nội dung của thập nhị nhân duyên

Phật giáo quan niệm rằng tất cả các pháp đều do duyên sinh. Vì cái này có mặt nên cái kia có mặt. Chúng vận hành tồn tại tương quan mật thiết với nhau qua 12 móc xích tạo thành một vòng tròn khép kín đó là vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử.

12 móc xích này là nhân tố cấu tạo hình thành các pháp hữu vi. Chúng cũng là nền tảng căn bản giúp con người đoạn trừ tất cả sự hiện hữu. 12 nhân duyên còn là sự khám phá độc đáo mới mẻ của đức Thế Tôn về sự vận hành của tâm thức trải qua 3 giai đoạn: quá khứ, hiện tại, vị lai của một chúng sanh. Nương vào đó con người có thể hiểu được tâm ý của chính mình và sự vận hành của vạn pháp. Nhờ đó con người dễ dàng cắt đứt mối liên hệ giữa chúng, cắt đứt vòng sanh tử, thoát ly luân hồi. Nhưng thập nhị nhân duyên chỉ thật sự có giá trị đối với những ai biết biến nó thành hành động cụ thể, áp dụng vào cuộc sống thực tiễn. Ước mơ thoát khỏi sanh tử chỉ thành hiện thực đối với những ai luôn hoài bão và đem hết tâm lực chặt đứt 12 móc xích oan khiên ấy.

Cần nhận rõ hành tướng của các nhân duyên, hiểu rõ sự tác động của nhân duyên này đối với sự phát sinh của nhân duyên khác, dùng phép quán duyên khởi, diệt trừ những khâu chính trong dây chuyền 12 nhân duyên, để đi đến chứng được đạo quả của Duyên giác thừa.


1. Vô minh: Vô minh là không sáng suốt, là mề lầm, không nhận được bản tính duyên khởi chân thật. Do vô minh, nên không biết tất cả sự vật, dầu thân, dầu cảnh, dầu sinh, dầu diệt, dầu năng, dầu sở, dầu có, dầu không, đều do nhân duyên hội họp mà giả dối sinh ra, do nhân duyên tan rã mà giả dối mất đi, đều theo nhân duyên mà chuyển biến như huyễn, như hóa, không có thật thể. Chính vì không biết như thế, nên lầm nhận thật có cái ta, thật có cái thân, thật có hoàn cảnh, rồi do sự đối đãi giữa thân tâm và cảnh giới, phát khởi ra những tâm niệm sinh diệt chuyển biến không ngừng.

2. Hành: Hành, chính là cái tâm niệm sinh diệt chuyển biến không ngừng ấy, nó làm cho chúng sinh nhận lầm có cái tâm riêng, cái ta riêng của mình, chủ trương gây các nghiệp, rồi về sau chịu quả báo.

3. Thức: Tâm niệm sinh diệt tiếp tục ấy, theo nghiệp báo duyên ra cái thức tâm của mỗi đời, chịu cái thân và cái cảnh của loài này hoặc loài khác.

4. Danh sắc: Các thức theo nghiệp báo duyên sinh ra danh sắc. Sắc, bao gồm những cái có hình tướng, như thân và cảnh; Danh, bao gồm những cái không có hình tướng, như cái sự hay biết, nói một cách khác, là thức tâm thuộc nghiệp nào, thì hiện ra thâm tâm và cảnh giới của nghiệp ấy.

5. Lục nhập: Thân tâm đối với cảnh giới thì duyên khởi ra các sự lãnh nạp nơi 6 giác quan, nhãn căn lãnh nạp sắc trần, nhĩ căn lãnh nạp thanh trần, tỷ căn lãnh nạp hương trần, thiệt căn lãnh nạp vị trần, thân căn lãnh nạp xúc trần và ý căn lãnh nạp pháp trần.

6. Xúc: Do những lãnh nạp như thế, mà các trần ảnh hưởng đến tâm hay biết sinh ra quan hệ với nhau, nên gọi là xúc.

7. Thọ: Do những quan hệ giữa tâm và cảnh như thế, nên sinh ra các thọ là khổ thọ, lạc thọ, hỷ thọ, ưu thọ và xả thọ.

8. Ái: Do các thọ đó, mà sinh lòng ưa ghét, đối với lạc thọ, hỷ thọ thì ưa, đối với khổ thọ, ưu thọ thì ghét và đã có ưa ghét thì tâm gắn bó với thân, với cảnh, hơn bao giờ hết.

9. Thủ: Do tâm gắn bó với thân, với cảnh nên không thấy được sự thật như huyễn, như hóa, mà còn kết hợp được những ảnh tượng rời rạc đã nhận được nơi hiện tại, thành những sự tướng có định, rồi từ đó chấp mọi sự vật đều có thật, sự chấp trước như thế, gọi là thủ.

10. Hữu: Do tâm chấp trước, nên những sự vật như huyễn như hóa lại biến thành thật có, có thân, có cảnh, có người, có ta, có gây nghiệp, có chịu báo, có sống và có chết, cái có như thế, tức là hữu.

11. Sinh: Có sống, tức là có sinh, nói một cách khác, là do không rõ đạo lý duyên khởi như huyễn, không có tự tánh, nên nhận lầm thật có sinh sống.

12. Lão tử: Lão tử là già rồi chết. Do có sinh sống, nên có già, rồi có chết.


Do 12 nhân duyên chuyển mãi, từ khâu này đến khâu khác, trong quá khứ, hiện tại, vị lai, nên chúng sinh chìm đắm mãi mãi trong đường luân hồi.


Vậy 12 nhân duyên truyền nối nhau liên tục trong suốt 3 đời, giống như một dây xích không có đầu mối, như một vòng lửa không biết đâu là khởi điểm. Như vậy, vô minh không phải là nguyên nhân đầu tiên của chuỗi liên kết đó, bởi vô minh cũng do duyên sinh. Vô minh là không sáng suốt, đó là những điều mê hoặc che lấp chơn tâm diệu tánh, không có sự soi sáng của trí tuệ. Nghĩa là trí tuệ vẫn hiện hữu nơi mỗi người nhưng vì bị vô minh ngăn che nên không thể chiếu sáng để thấy rõ bản chất của các pháp. Cũng như mặt trời bị mây che nên trời đất u ám. Mây tan, mặt trời lại chiếu sáng với ánh sáng vốn có của nó. Vô minh còn có tên thứ hai là si mê tức là sự không thông suốt hay không có tri kiến của bậc Chánh Giác. Do sự không thông suốt ấy, con người đã duy trì những quan điểm sai lầm, thấy vô thường cho là thường, xem đau khổ cho là thú vui, nhận giả cho là thật và nắm giữ các pháp ô nhiễm cho là thanh tịnh. Do đó, vô minh là một trong những cội rễ căn bản, là cội nguồn sanh ra tất cả các pháp ô nhiễm; tất cả những hành động bất thiện và tất cả những ý niệm sai lầm đều bắt nguồn từ vô minh. Bậc Cổ đức nhận chân ra được điều đó đã dạy:

“Nhân vô minh vọng tình nhiễm trước

Thọ, tưởng, hành, ý thức nghiệp duyên”

Vì vô minh nên có hành sanh khởi. Hành tùy thuộc vào vô minh mà phát sanh, với đặc tính đưa đến sự tái sinh. Hành nói đơn giản là hành động thiện và bất thiện, nó biểu hiện qua thân, khẩu, ý. Những hành động của chư Phật và các vị A-la-hán không thể gọi là hành vì các Ngài đã hoàn toàn tận diệt vô minh. Vô minh bắt nguồn từ bên trong con người và làm cho con người trở nên mù quáng, không nhận định được hành động của chính mình tạo tác. Nếu không có vô minh sẽ không có hành động tương tợ, không có hành động do vô minh sai sử tạo nghiệp, sẽ không có tái sinh và những cái khổ đau sẽ hoàn toàn tiêu diệt. Như vậy, vô minh và hành thuộc về nhân quá khứ. Do vì mê hoặc mà con người gây ra hành nghiệp nên nói vô minh duyên hành. Từ nơi hành động mà sanh ra thức. Như vậy thức là gì?

Thức tùy thuộc hành nghiệp trong kiếp quá khứ mà phát sanh. Nói cách khác, thức tùy thuộc nơi nghiệp thiện hay bất thiện của kiếp quá khứ mà thức được tạo điều kiện phát sinh trong kiếp hiện tại. Thức này là thức đầu tiên của một kiếp sống nên được gọi là thức nối liền hay tâm nối liền vì nó nối liền kiếp quá khứ và kiếp hiện tại. Trong cái thức ấy có ngủ ngầm tất cả những cảm giác đã thọ, những đặc tính và những khuynh hướng riêng biệt trong dòng đời đã qua của một cá nhân. Theo các nhà sinh lí học hiện đại thì sự có mặt của một con người được bắt đầu trong khoảnh khắc kỳ diệu từ tinh cha huyết mẹ hợp thành. Đó là nấc tâm thức cuối cùng của kiếp trước vừa chấm dứt thì nấc tâm thức đầu tiên của kiếp hiện tại được hình thành, giữa hai luồng tư tưởng ấy chúng ta gọi là tái sinh. Chính vòng khoen thứ 3 này giải thích hiện tượng tái sinh nên ngay đó thức được hình thành. Vậy từ khi có thức phát sanh thì ngay theo đó danh sắc cũng bắt đầu sanh khởi.

Ở đây danh là chỉ cho thức A-lại-da, chỉ nghe tên mà không thấy hình tướng. Sắc chỉ phần vật chất hữu hình, tức là tinh cha huyết mẹ hay còn gọi là phôi thai. Thức là thần thức hay gọi là A-lại-da, khi tái sinh thì thức này xuất hiện đầu tiên, nhập vào thai rồi lần lần nảy sinh ra thức kia nên gọi là thức duyên danh sắc. Như vậy một đứa bé trong thai vẫn hội đủ 2 phần: hình thể vật chất và thần thức.

Lục nhập tùy thuộc vào danh sắc mà phát sinh. Nói khác hơn, đây là một dạng tiềm ẩn của lục thức đứa bé trong bào thai, nghĩa là lục căn của người mẹ tiếp xúc với lục trần sanh ra sự thấy, biết, phân biệt gọi là lục thức. Cái thấy biết đó thâm nhập và ảnh hưởng đến đứa bé. Khi người mẹ sống với tâm hoan hỷ, khinh an thì khi sinh đứa bé có khuôn mặt vui vẻ, thông minh, và khi trưởng thành nó cũng vẫn giữ được bản tính vui vẻ. Nói khác hơn, sắc trần luôn ảnh hưởng đến bào thai qua tư tưởng của người mẹ, ta gọi là lục nhập.

Xúc là sự xúc chạm. Nó tùy thuộc vào lục căn mà phát sinh. Đối tượng của lục căn là lục trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Lục căn tiếp xúc với lục trần sanh ra lục thức hay nói cụ thể hơn khi mắt tiếp xúc sắc trần thì nhận thức liền phát sanh, trong thời gian giao thoa xúc xuất hiện. Như vậy rõ ràng xúc phát sinh do căn trần hợp lại tạo điều kiện sanh thọ. Đây là quả hiện tại.

12 nhân duyên truyền nối nhau liên tục trong suốt ba đời, giống như một dây xích không có đầu mối, như một vòng lửa không biết đâu là khởi điểm.


Thọ
là sự nhận chịu, do xúc chạm mà phát sanh sự cảm nhận đó là thọ. Thọ phát sanh từ những xúc chạm của lục căn với lục trần mà sinh ra cảm giác, có thể là hạnh phúc, có thể là khổ đau nhưng cũng có khi vô ký. Giác quan không thể ghi nhận đối tượng của nó nếu không có một loại thức tương ứng. Vậy một khi đủ 3 yếu tố (giác quan, đối tượng, thức tương ứng) tức nhân có xúc thì thọ được phát sinh. Đây là quả hiện tại.

Chúng sanh đều có sự cảm thọ khác nhau trước một hoàn cảnh hay một đối tượng giống nhau. Như một vật gì đó đứng trước người này thì người đó thấy một cách khác còn đối với người kia thì nhìn nhận nó một cách khác. Vậy cũng đồng một đối tượng có thể tạo cho người này có cảm giác vui nhưng lại gây đau khổ ở người khác. Như vậy là sao? Là vì do nghiệp thức phân biệt hiểu biết khác nhau nên thọ mới có sai khác.

Ái là sự khát vọng, ham muốn. Do có sự thọ nhận mà phát sinh ra ái. Ái bao gồm tất cả những hình thức khát ái, tham ái, ước muốn, dục vọng, ham muốn, nóng lòng… Khi tiếp xúc một vật sinh ra 3 cảm thọ: khổ, vui và vô ký. Nhưng từ thọ chỉ phát sinh ra ái. Ái đây là ái bản ngã chính mình. Dù có thọ nhận cảm giác khổ cũng vì ái bản ngã của mình mới sinh tâm ghét đối tượng. Vì thế ái mang nghĩa rất sâu, có mặt ở 3 lĩnh vực của cảm thọ. Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương Phật dạy: “May mắn thay chỉ có 1 sắc dục chứ nếu có 2 thì tất cả mọi người trong thiên hạ không ai tu nổi”. Cho nên ta có thể nói: “Ái là kẻ thù của thế gian”. Xuyên qua ái tất cả phiền não tập khí đến với ta ví như đĩa mật, như con thiêu thân thấy lửa liền bay vào đâu biết đó là nơi kết thúc mạng sống của mình, vì thế chính ái đã làm cho chúng sanh trở lại sanh tử. 2 yếu tố quan trọng và hùng mạnh nhất trong12 nhân duyên là vô minh và ái dục, 2 nguyên nhân chánh làm chuyển động bánh xe luân hồi. Vô minh là nguyên nhân quá khứ tạo điều kiện cho hiện tại. Ái dục là nguyên nhân trong hiện tại tạo điều kiện cho tương lai. Nơi nào có thỏa thích và dục lạc nơi đó có ái và khi bị chướng ngại, nó trở thành phẫn, hận và trở nên bất mãn. Con người mãi chạy theo lạc thú không ngừng, bám lấy những đối tượng tương ứng với lục căn nhưng họ không hiểu rằng không có số lượng lục trần nào hoàn toàn thỏa mãn lục căn. Trong sự khát khao mãnh liệt ấy, con người mong muốn có quyền sở hữu tức là phải làm chủ hoàn toàn. Từ đó phát sinh sở hữu tức thủ.

Thủ là nắm chặt, giữ lấy. Đó là trạng thái tâm luyến ái, bám vào muốn nắm chặt lấy. Như vậy thủ là ái ở mức độ cao. Vì thủ mà con người phải làm nô lệ cho khát vọng của mình, chìm đắm vào tận cùng của đau khổ giống như con nhộng nằm trong ổ kín tối mò mà chính nó tạo ra.

Hữu do thủ mà phát sinh còn gọi là nghiệp. Phần trước ta nói hành là những hành động thiện và bất thiện trong kiếp quá khứ mà có hiện tại. Hữu cũng là hành động thiện và bất thiện nhưng nó chỉ là nghiệp hiện tại tạo điều kiện cho kiếp sống tương lai. Đó là nhân hiện tại.

Sanh do hữu mà có. Sanh ở đây không phải là một hành động lâm bồn mà nó là sự hình thành của 5 uẩn trong bào thai mẹ. Sanh còn là sự sống hiện tại vận hành cho đến tương lai. Nó là sự kế tục không ngừng của dòng sông sanh mệnh.

Lão tử là mắc xích cuối cùng. Nó tùy thuộc sanh mà phát khởi. Cùng với lão tử từ đó phát sanh ra phiền não và đau khổ, đa sầu tuyệt vọng. Vì sao? Vì đã có sanh tức là có trưởng thành, già chết rồi sanh tiếp nối già chết, già chết tiếp nối sanh. Nó cứ liên tục triền miên như thế. Ngày nào con người còn bám víu vào kiếp sống sanh tồn, chưa thoát khỏi vô minh, ái dục và thủ thì cái chết chưa chấm dứt. Cuối cùng nó tiếp tục quay cuồng trong bánh xe sanh tử. Đó là quả vị lai.

Khi Phật hệ thống lại 12 nhân duyên là Ngài đã mở cho chúng ta một con đường sáng. Công năng của nó là phá tan vòng duyên khởi luẩn quẩn sanh tử đồng thời hiểu được 12 nhân duyên là hiểu được đầu mối các nguyên nhân căn bản chi phối mọi sinh hoạt của chúng sinh trong vũ trụ.


12 nhân duyên là một dây chuyền liên tục, chuyền từ khâu này đến khâu khác trong nhiều đời. Do có vô minh qua hành ở các đời quá khứ nên duyên khởi ra thức tâm của đời này. Thức tâm ấy, theo nghiệp báo duyên sinh ra danh sắc, danh sắc duyên sinh ra lục thập, lục thập duyên sinh ra xúc, xúc duyên sinh ra thọ. Thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ, đều là cái quả báo dị thục của các nghiệp, đã gây ra từ trước.

Khi tâm chúng sinh chịu cái quả báo đó, thì do sự đối đãi giữa thân và cảnh lại sinh ra những điều ưa ghét, đó là ái. Rồi do có ưa ghét, mà gắn bó với thân và cảnh, chấp là thật có, không biết thân tâm và cảnh giới đều duyên khởi như huyễn, đó là thủ. Do có chấp trước, nên mọi sự vật, vốn là huyễn hóa, lại biến thành thật có, thân cũng có, cảnh cũng có, ý thức phân biệt cũng có, mình cũng có, người cũng có, rồi từ đó, sinh ra có gây nghiệp và có chịu báo.

Đã có gây nghiệp và đã có chịu báo, thì khi hết thân này, nghiệp báo sẽ dẫn dắt vào một thân khác trong vị lai, đó là sinh, mà đã có sinh thì nhất định có lão tử.

Nếu xét các duyên, từ đời hiện tại đến đời tương lai, thì chẳng những cái vô minh sẵn có từ trước là vô minh, mà thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ cũng đều thuộc về vô minh. Hành cũng thế, chẳng những các nghiệp quá khứ là hành, mà các nghiệp hiện tại như ái, thủ hữu cũng đều thuộc về hành. Như thế, vô minh quá khứ cộng với vô minh hiện tại, cùng nhau duyên khởi ra thức tâm của nghiệp báo đời sau. Về nghiệp báo đời sau, thì trong một chữ sanh, đã gồm đủ thứa, danh sắc, lục nhập, xúc, thụ, ái và thủ, hữu, thì một phần thuộc về sanh, một phần thuộc về lão tử. Rồi do trong đời vị lai này, có gây nghiệp, có chịu báo, nên có sanh và lão tử đời sau nữa.

Do 12 nhân duyên chuyển mãi, từ khâu này đến khâu khác, trong quá khứ, hiện tại, vị lai, nên chúng sinh chìm đắm mãi mãi trong đường luân hồi.

Nhưng nếu xét cho cùng, thì chẳng những trong nhiều đời, mà trong một đời, chẳng những trong một đời, mà trong từng niệm, từng niệm, 12 nhân duyên vẫn duyên khởi ra nhau, liên tục không gián đoạn. Trong một đời, thì chúng sinh do vô minh không nhận đạo lý duyên khởi như huyễn, nên tâm mới vọng động, đó là hành. Do tâm vọng động mà có tiềm thức phát khởi liên tục theo nghiệp báo và duyên ra danh sắc, danh sắc duyên ra lục thập, lục thập duyên ra xúc, xúc duyên ra thọ, thọ duyên ra ái, ái duyên ra thủ, và đã có chấp thủ thì có thân tâm, có cảnh giới, có gây ra các nghiệp huân tập nơi tiềm thức, cho đến có sự sinh sống, có sự chuyển biến, có già, có chết. Nhưng sinh, trụ, dị, diệt như thế, xét cho cùng tột, thì từng niệm, từng niệm, chúng sinh đều có, nên từng niệm, từng niệm cũng đều đầy đủ 12 nhân duyên.


Trong 12 nhân duyên, thì nguyên nhân căn bản của luân hồi, tức là vô minh và nguyên nhân của tất cả sự chuyển biến trong luân hồi, tức là hành. Chỉ khi nào diệt trừ được vô minh, thì mới giác ngộ, chỉ khi nào diệt trừ được hành, thì mới hết sinh diệt, vì thế các vị tu hành phép thập nhị nhân duyên, cần phải theo đạo lý duyên khởi, mà quán tất cả sự vật đều duyên sinh như huyễn, không có tự tánh, để diệt trừ vô minh. Khi phát ra trí tuệ, trừ được vô minh, thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc, lục thập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử đều diệt hết.

Nên nhận rõ 12 nhân duyên chỉ duyên sinh ra nhau và mỗi khâu, chỉ một nhân duyên đối với khâu khác, chứ không phải tất cả các nhân duyên đối với khâu ấy, như vô minh duyên sinh ra hành, thì vô minh là một nhân duyên, trong nhiều duyên sinh ra hành, chứ không phải một mình vô minh sinh ra hành. Nói vô minh duyên sinh ra hành, thì có nghĩa là, nếu thiếu vô minh làm nhân duyên thì hành không phát khởi được. Đối với các khâu khác, thì cũng đều có nghĩa như thế. Nhưng, nếu trong tất cả các duyên tạo thành một khâu, diệt trừ được một duyên, thì cái khâu ấy quyết định không sinh ra được. Chính vì vậy, ngược lại, lúc lưu chuyển, khi đã diệt trừ được vô minh, thì cả 12 nhân duyên đều được diệt trừ và người tu hành được giải thoát ra khỏi sanh tử.

Trong lúc tu phép quán thập nhị nhân duyên để ra khỏi luân hồi, nhà tu hành thường quán theo đạo lý duyên khởi và bắt đầu diệt trừ những khâu quan trọng, duyên khởi ra phân đoạn sinh tử là ái, thủ và hữu. Các vị này, nương theo đạo lý duyên sinh, quán biết thân cảnh đều giả dối, không thật và các thọ sinh ra trong quan hệ giữa thân và cảnh, vốn không có gì, nên diệt trừ được lòng ưa ghét. Khi lòng ưa ghét đã diệt trừ thì đối với tất cả các sắc, đều xem như bóng trong gương, đối với tất cả các tiếng, đều xem như luồng gió thổi qua, không có gì là chắc thật và cõng không có gì đáng để ý. Do tâm đối với cảnh không phát sinh ưa ghét và thường phóng xả như thế, nên sự chấp trước cũng giảm bớt đi, đi đến bị tiêu diệt hết. Tâm đã không chấp trước, thì thấy rõ mọi sự vật đều huyễn hóa, không thật có, chính khi sinh, không có gì đáng gọi là sinh, chính khi diệt, không có gì đáng gọi là diệt, do đó, phát khởi được trí vô ngã, diệt trì phân biệt ngã chấp và chứng được bậc sơ tâm của Duyên giác thừa. Từ đó, các vị sơ tâm dùng trí vô ngã gột rửa lần lần các thói quen mê lầm, diệt trừ hành ấm, diệt trừ cơ sở vô minh duyên sinh ra luân hồi và lên quả vô học.

Nói tóm lại, phép tu của Duyên giác thừa, cũng như của các vị Độc giác, đều dựa vào phép quán mọi sự, mọi vật đều do nhân duyên mà có sinh diệt, nhận rõ mọi sự, mọi vật do nhân duyên mà sinh, nên không thật có sinh, do nhân duyên mà diệt, nên không thật có diệt, mà chứng được đạo quả vô sinh diệt. Các vị tu theo Duyên giác thừa, còn quán các sự vật đều do duyên hợp thành và thường theo duyên mà chuyển biến. Các vị thường dùng tâm niệm của mình, chuyển đổi những sự vật này, hóa thành sự vật khác, để trực nhận một cách sâu sắc đạo lý duyên khởi như huyễn. Do lối tu như thế, nên các vị Độc giác và Duyên giác thường có nhiều thần thông và cũng hay dùng thần thông để hóa độ chúng sanh. Do các vị ấy, chứng được đạo lý duyên khởi như huyễn, nên phạm vi hóa độ chúng sanh cũng rộng hơn Thanh Văn thừa và chỗ giác ngộ cũng gần với Bồ-tát thừa hơn. Vì thế, mà trong kinh có nơi gọi Duyên Giác thừa là Trung thừa, nghĩa là cái thừa ở giữa Tiểu thừa và Đại thừa, phát nguyện rộng lớn thì thường mau chóng chứng được những quả vị của Đại thừa.


Như vậy đối với các pháp trong thế gian ta không còn vướng mắc, không câu chấp, xả bỏ tất cả nhưng trong thực tại không một pháp nào được xả bỏ. Đó là điều mà đức Phật muốn nói với chúng ta và chính Ngài đã thực hiện chơn lý ấy ngay trên bản thân mình mà thành tựu tự ngã. Tự ngã ở đây là tự ngã chân thật bao hàm vạn pháp mà vạn pháp do nhân duyên sinh khởi. Nhân duyên sinh khởi ấy chính ở ngay trong cái tâm bình thường của mỗi chúng sinh. Nên nói:

“3 cõi lầm mê tâm tịch tịnh

Một đời sinh tử tánh thường như

Sớm mai thấy nụ hoa hồng nở

Nhẹ bước trần sa thấy tỉnh rồi.”

Như vậy khi thấu triệt 12 nhân duyên là ta đã trang bị cho mình một lưỡi gươm trí tuệ. Nhưng ta có can đảm cắt đứt những mắc xích sinh tử, có dập tắt ngọn lửa ái dục, có bẻ gãy những cây căm chấp thủ hay không, đó là công việc mà chúng ta phải tự làm, mỗi chúng ta phải tự ý thức lấy. Một khi chúng ta phá tan được 12 nhân duyên sinh khởi thì con người tự mình giải thoát ra khỏi mọi khổ đau và không còn bị luân hồi chi phối nữa. Do đó, ta có thể tặng cho mình một ý nghĩa lạc quan trong cuộc sống thực tại:

“Mục đích có sẵn rồi

Nào phải vọng xa xôi

Dặm trình thong dong bước

Hoa trắng nở ven đồi.”



(Trích theo bài viết của cư sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám)


Post a Comment

0 Comments